Phân biệt ba loại “đục mắt” thường gặp ở chó mèo
Mình gọi là “đục mắt” vì đây là từ thông dụng nhất được các chủ nuôi nhận thấy và diễn tả. Có 3 nguyên nhân phổ biến khiến mọi người dễ nhầm lẫn như sau:
1. Đục mắt do rối loạn chuyển hoá → mỡ tích tụ (corneal lipidosis / Lipid Keratopathy)
– màu trắng kem hoặc hơi ngã bạc
– sẽ hết khi các nguyên nhân rối loạn chuyển hoá được điều trị
– Các nguyên nhân rối loạn chuyển hoá thường gặp như: Tăng cholesterol, tăng mỡ máu, tiểu đường, suy giáp, Cushing’s, bệnh gan và viêm tuỵ mãn
2. Đục thuỷ tinh thể (cataract)
– chỉ đục ở phần đồng tử (con ngươi)
– Đục thuỷ tinh thể thường không đau và thị lực giảm từ từ theo thời gian (Chỉ đau nhức khi có tăng nhãn áp thứ phát)
– Cho đến hiện tại, chưa có loại thuốc nhỏ mắt nào có thể làm chậm quá trình phát triển của bệnh. Đối với đục thuỷ tinh thể do tiểu đường, thuốc nhỏ mắt có chứa aldose reductase inhibitors (ARIs) cũng đem lại hiệu quả điều trị nhưng giá khá cao và phải sử dụng mỗi 8-12 tiếng đồng hồ, nếu ngưng thì sẽ mất hiệu quả ngay.
Thông tin tham khảo thêm về đục thuỷ tinh thể do gene là một nguyên nhân phổ biến nhất trên chó và loại thuốc nhỏ mắt điều trị đục thuỷ tinh thể thứ phát:
https://www.facebook.com/…/pb…/750386379162797/…
3. Phù giác mạc do viêm/loét giác mạc (corneal edema):
– giác mạc có màu hơi xanh của dịch bao phủ toàn bộ giác mạc.
– Thú cưng sẽ khó chịu, khó mở mắt (mắt một bên mở to một bên nhỏ hoặc cả hai bên híp lại nếu viêm cả 2 bên), nhạy cảm với ánh sáng, gió, chảy ghèn và chảy nước mắt (có thể sưng mi mắt). Và thường đáp ứng tốt với thuốc nhỏ mắt chứa kháng sinh phù hợp và kịp thời.
BSTY Bùi Phương Anh – BSTY Huỳnh Thế Vinh
Wrocław, Poland
Tham khảo:
BSAVA Manual of Canine and Feline Ophthalmology-BSAVA – David Gould_ Gillian McLellan -(2015)