Hành vi loài thỏ và những điều cần chú ý trong việc giữ/cố định thỏ – Phần 1, dành cho bác sĩ thú y
Đối với cả chủ nuôi lẫn bác sĩ thú y, biết được những hành vi bình thường của thỏ là rất quan trọng trong bước đầu phát hiện ra những điều bất thường và trong việc khám chữa bệnh. Tuy nhiên, trong bài viết này mình sẽ chỉ ra những biểu hiện đau và stress cũng như cách cố định thỏ an toàn để bác sĩ có thể áp dụng luôn nhé.
Trước tiên, bác sĩ thú y cần học cách tiếp cận thỏ đúng để mức độ stress của bệnh nhân thấp hết mức có thể trong môi trường lạ là phòng khám thú y. Thỏ là một loài động vật bị săn, nên mức độ stress của chúng rất cao và rất dễ bị hoảng sợ. Khi khám thỏ, phòng khám bệnh cần kín, không có tiếng ồn và đặc biệt không chung không gian với các loài động vật ăn thịt như chó, mèo. Một số dấu hiệu cơ thể dễ nhận thấy khi thỏ sợ bao gồm nằm bẹp trên sàn, tai ép sát đầu và hai bên mắt lồi ra. Đơ người (freezing) cũng là một phản ứng thường thấy khác của thỏ khi bị sợ. Để giảm thiểu tối đa những điều này, bác sĩ có thể thử tiến lại gần thỏ một cách chậm rãi và nhẹ nhàng, sau nó chào chúng một cách thân thiện. Khi lấy thỏ ra khỏi hộp vận chuyển để khám hoặc bế chúng, tuyệt đối không tiếp cận từ bên trên thỏ vì điều này tạo cho chúng cảm giác bị chim săn mồi quắp đi.
Khi phải đối mặt với nguy hiểm, một số thỏ sẽ chọn cách tự vệ và điều này có thể gây tổn thương cho chính chúng. Nếu thỏ bị nắm vào gáy và nhấc lên, chúng sẽ dùng chân sau đá ngược lên rất nhanh và mạnh, khiến động vật săn mồi (ở đây là bác sĩ, còn trong tự nhiên là các loài chim săn mồi) giật mình thả ra. Việc này thường dẫn đến chấn thương, hay nặng hơn là gãy xương sống ở thỏ. Vì vậy, có một số phương pháp bế/cổ định thỏ n toàn sau đây các bác sĩ cần nắm rõ.
Cách bế phổ biến nhất là một tay đỡ dưới ngực, một tay đỡ mông của thỏ. Điều này tránh được việc thỏ đá bằng chân sau, và cũng tạo cảm an toàn và bớt chênh vênh hơn cho thỏ khi bị bế. Tuyệt đối không bao giờ được nhấc thỏ lên bằng tai hoặc da ở gáy, vì nếu vậy, những bộ phận mong manh này sẽ phải chịu toàn bộ trọng lượng của cơ thể thỏ, gây đau đớn và căng thẳng.
Cách tiếp theo là bế thỏ bằng một tay, ngón trỏ và cái nắm hai chân trước, để người thỏ có thể nằm trên cánh tay của bác sĩ hoặc trợ lý. Tay còn lại có thể được dùng để khám. Ở một số trường hợp thỏ giãy giụa, có thể quay hướng đầu của thỏ về phía nách của người cố định, không gian hẹp và tối hơn có thể giúp chúng bớt hoảng sợ.
Để khám thỏ, trợ lý có thể để thỏ nằm gọn trên đùi mình và hai tay giữ phía trên bả vai thỏ. Điều này giúp cố định tốt và không gây khó chịu nhiều cho chúng để bác sĩ có thể khám.
Khi bác sĩ cần tiếp cận vùng phía sau của thỏ cho một số việc như đo nhiệt độ, sờ nắn bụng, cắt móng chân, trợ lý có thể bế thỏ theo kiểu hình chữ C: một tay giữ ngực thỏ, tay còn lại đỡ dưới mông thỏ và ép lưng thỏ một cách nhẹ nhàng vào thân mình. Đây cũng là cách cố định yêu thích của mình vì nó khá chắc chắn và giúp bác sĩ có thể kiểm tra được một lúc nhiều bộ phận của thỏ.
Bác sĩ và trợ lý cần đặc biệt chú ý đảm bảo an toàn cho thỏ trong khi khám. Mặt bàn khám có thể lót một miếng khăn (tốt nhất là khăn mà thỏ dùng ở nhà để có mùi thân thuộc) để thỏ không bị trượt chân. Nếu thỏ giãy giụa mạnh khi khám, việc che mắt có thể khiến chúng bớt sợ và bình tĩnh lại. Có thể áp dụng phương pháp burrito khi cần làm các thủ thuật khó như lấy máu, đặt ven. Tuy nhiên, cần đặc biệt chú ý những trường hợp thỏ quá stress dẫn đến tăng thân nhiệt quá mức. Lúc này, thỏ sẽ thở hồng hộc và việc thăm khám phải lập tức được dừng lại. Thỏ cần được đặt lại vào hộp vận chuyển và nghỉ trong phòng mát thoáng khí cho tới khi bình thường trở lại. Thêm một điều nữa là thỏ bắt buộc phải thở bằng đường mũi (obligate nose breather) và mũi của chúng cũng vô cùng nhạy cảm, vì vậy không bao giờ được chạm vào hay lấy tay che mũi trong khi khám. Một trường hợp điển hình là khám khoang miệng của thỏ, bác sĩ có thể mở khoang miệng của thỏ bằng cách một tay kéo hai bên môi trên lên, tay còn lại đưa ống soi tai vào một cách nhẹ nhàng. Trong trường hợp này bác sĩ cũng cần chú ý không kéo ngược cổ thỏ lên trên, điều này có thể làm hẹp đường thở của chúng, dẫn đến ngạt.
Một thủ thuật một số bác sĩ sử dụng là bế ngửa thỏ. Điều này ở thời điểm hiện tại không còn được coi là nhân đạo đối với thỏ nữa, bởi đây là phản xạ tự nhiên ở thỏ trong trường hợp phải đối mặt với kẻ săn mồi. Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng thỏ biểu hiện đầy đủ các yếu tố sinh lý và hành vi của stress khi ở trong trạng thái này, như nồng đọ corticoid và glucose trong máu tăng cao. Chỉ nên sử dụng thủ thuật này khi thực sự cần thiết.
Việc đánh giá mức độ đau của thỏ là rất cần thiết trong việc lựa chọn điều trị và quản lý đau ở các bệnh nhân này. Dưới đây là một số hình ảnh về nhận biết đau ở thỏ (Rabbit grimace scale theo Keating et al.). Có thể thấy ở hai ảnh, thỏ có biểu hiện trên mặt khác nhau rõ rệt, với ảnh bên phải thể hiện thỏ đang bị đau. Khi bị đau, mắt thỏ thường nhắm hoặc không mở to, tai ép về phía cơ thể, mũi hình như V chứ không phải chữ U như bình thường, cơ má bị kéo bẹp ra và ria ở mõm bị kéo về phía má. Ở dưới mình có để thêm link của poster đầy đủ đánh giá mức độ đau ở thỏ để mọi người tham khảo kĩ hơn nhé!
Minh Hà Phạm
Trường ĐH Thú y Hannover, Đức
Nguồn:
- Kleintiere stressarm behandeln; Schneider B., Döring D., Ketter D.; 2. Auflage; 2018
- Exotic Pet Behavior – Birds, Reptiles, and Small Mammals; J. Mayer, Teresa Bradley Bays, and Teresa L. Lightfoot; 2006
- Poster Rabbit Grimace Scale: https://www.nc3rs.org.uk/sites/default/files/2022-01/NC3Rs%20Rabbit%20Grimace%20Scale%20Poster%20%28EN%29.pdf
- http://www.medirabbit.com/EN/Surgery/Restraint/Handling.htm
- https://www.bristol.ac.uk/media-library/sites/vetscience/documents/clinical-skills/Rabbit%20Handling.pdf